Cơ Chế Một Cửa Quốc Gia Là Gì ? Truy Cập Cổng Thông Tin Một Cửa Quốc Gia Ở Địa Chỉ Nào

Chính phủ đã triển khai thí điểm Cổng thông tin một cửa quốc gia từ ngày 12/11/2014 và triển khai chính thức từ ngày 08/9/2015

Tin cùng chủ đề

Cơ chế một cửa quốc gia là gì

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Hải quan 2014Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

cơ chế 1 cửa quốc gia

Những nội dung khi thực hiện cơ chế 01 cửa quốc gia được quy định tại Điều 7 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP bao gồm:

a) Người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp (dưới đây gọi là Cổng thông tin một cửa quốc gia). Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của các Luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật quản lý chuyên ngành.

b) Các cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin của người khai hải quan; phản hồi kết quả xử lý cho người khai hải quan; trao đổi thông tin khai thủ tục hành chính và kết quả xử lý thông tin khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước với nhau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

c) Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

d) Cơ quan hải quan căn cứ kết quả xử lý của các cơ quan nhà nước để ra quyết định cuối cùng về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phản hồi kết quả cho người khai hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia được quy định tại Điều 8 Nghị định 08/2015/NĐ-CP:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:

- Xây dựng, phát triển Cổng thông tin một cửa quốc gia;

- Ban hành quy chế quản lý, vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia;

- Thống nhất các yêu cầu kỹ thuật kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống xử lý chuyên ngành trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Xây dựng các danh mục dữ liệu dùng chung giữa các Bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới các thủ tục hành chính để thực hiện bằng phương thức điện tử theo Cơ chế một cửa quốc gia;

- Xây dựng và thực hiện cơ chế tài chính đảm bảo cho việc quản lý, vận hành, duy trì và phát triển Cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế trao đổi thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b) Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm ban hành thủ tục hành chính để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng bộ dữ liệu hành chính và thương mại quốc gia áp dụng cho các chứng từ điện tử trao đổi, thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia.

c) Tổng cục Hải quan:

- Chịu trách nhiệm quản lý, vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia;

- Tham gia đàm phán và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với các quốc gia khác trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Danh Sách Các Bộ Đã Triển Khai Công Thông Tin Một Cửa Quốc Gia 

 Danh sách các thủ tục hành chính của các Bộ ngành gồm có:

1. Bộ Giao thông Vận tải (10 thủ tục)

Cổng Thông Tin Một Cửa Quốc Gia - Bộ Giao Thông Vận Tải

- Thủ tục cấp phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam Campuchia.

- Tiếp nhận dữ liệu (hành khách, phương tiện, hàng hóa) đường hàng không.

- Thủ tục điện tử cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến thủy nội địa rời cảng biển Việt Nam

- Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy

- Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện

- Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu

- Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu

- Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật va bảo vệ môi trường xe chở người bốn bánh có gắn động cơ nhập khẩu

- Thủ tục tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh vào cảng biển.

- Thủ tục tàu biển xuất, nhập cảnh tại cảng bến thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa)

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (08 thủ tục)

- Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu

- Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (đối với thực vật xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, vận chuyển nội địa)

- Cấp phép Cites xuất khẩu mẫu vật vì mục đích thương mại

- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất khẩu

- Cấp giấy phép nhập khẩu phân bón ngoài danh mục được phép sản xuất và kinh doanh

- Cấp phép nhập khẩu giống cây trồng ngoài danh mục được phép sản xuất và kinh doanh

- Cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu

3. Bộ Công thương (05 thủ tục)

- Giấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-zôn

- Giấy phép nhập khẩu tự động mô-tô phân khối lớn

- Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D

- Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu nổ công nghiệp.

- Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô (Kimberley)

4. Bộ Y tế (05 thủ tục)

- Xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu

- Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm nhập khẩu

- Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế.

- Công bố mỹ phẩm.

- Nhập khẩu thuốc thành phẩm.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ (01 thủ tục)

- Quy trình đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường (04 thủ tục)

- Xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC để Bộ Công Thương cấp phép

- Đăng ký xuất khẩu chất thải nguy hại

- Đăng ký nhập khẩu Polyol HCFC-141B

- Đăng ký xuất khẩu HCFC

7. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (01 thủ tục)

- Thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em thuộc hạng mục kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

8. Bộ Thông tin và Truyền thông (01 thủ tục)

Quy trình Cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện

Bộ Thông tin và Truyền thông 

 

Địa chỉ truy cập Công thông tin một cửa quốc gia

Để tham gia Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp phải thực hiện các công việc sau đây:

- Doanh nghiệp đăng ký tham gia hệ thống

+ Vào trang web: https://vnsw.gov.vn để đăng ký tham gia;

+ Chọn mục đăng ký người sử dụng;

+ Nhập các thông tin theo yêu cầu và đăng ký.

- Doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số (nếu chưa đăng ký).

- Nghiên cứu các thủ tục các Bộ ngành đã triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để tham gia.

- Phối hợp với cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý Bộ ngành trong quá trình thực hiện.

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh giới thiệu cơ chế một cửa quốc gia hiện nay để cộng đồng doanh tìm hiểu thêm và thực hiện nhằm tạo thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

  • Ngày đăng: 08/05/2019 11:30
  • Chia sẻ trên: