Sau một thời gian triển khai, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa Asean (ASW) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp nhờ những lợi ích mà nó mang lại.
NSW ra đời theo Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011 và chính thức được vận hành vào cuối năm 2014. Đến nay, NSW đang được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực và mong muốn tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai NSW.
Tham gia NSW , lợi ích đầu tiên là doanh nghiệp vừa có thể tiết kiệm được chi phí vừa có thể sử dụng được nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả. Trước đây, để thực hiện một thủ tục hành chính doanh nghiệp phải mang hồ sơ tới từng cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Thông qua NSW, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông tin khai báo đến hệ thống, hệ thống sẽ tự động xử lý, trả kết quả cho doanh nghiệp, đồng thời gửi thông báo cho cơ quan Hải quan.
Ngoài ra. việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng giúp tăng tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục cho doanh nghiệp. Hệ thống NSW sẽ lưu các thông tin hồ sơ, ngày giờ mà doanh nghiệp gửi đến, các thông tin có liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính được công bố công khai, minh bạch tại Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Về lâu dài, thực hiện NSW là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức hoạt động sang môi trường điện tử, đào tạo nguồn lực để có thể sẵn sàng cho quá trình hội nhập hướng ra các thị trường quốc tế với môi trường kinh doanh và hành chính chủ yếu là môi trường phi giấy tờ.
Song song với NSW, ASW cũng mang lại những lợi ích hết sức thiết thực. ASW được đánh giá là môi trường mang lại lợi ích đa chiều cho các quốc gia cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Bước đầu, thông qua trao đổi e-C/O qua ASW, các doanh nghiệp nhập khẩu từ ASEAN sẽ không còn phải nộp C/O mẫu D bản giấy cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để được hưởng ưu đãi về thuế quan sẽ rút ngắn so với hiện tại. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu và đẩy mạnh lưu thông hàng hóa qua biên giới.
Về chi phí, chỉ tính riêng chi phí chuyển phát tài liệu, doanh nghiệp đã tiết kiệm được hàng triệu USD. Theo ước tính có hơn 100.000 giấy chứng nhận xuất xứ điện tử cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường trong ASEAN do Bộ Công Thương cấp trong 1 năm sẽ được công nhận để thông quan. Khi chính thức trao đổi e-C/O mẫu D ASW, việc chuẩn bị Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử sẽ rút ngắn được ít nhất 7 giờ so với sử dụng bản giấy, tiết kiệm khoảng 2 triệu USD/năm cho chuyển phát tài liệu; 1,7 triệu USD/năm từ việc rút ngắn thời gian chuẩn bị và chuyển phát nhanh hồ sơ. Qua đó, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí lưu kho của hàng Việt Nam tại nước nhập khẩu, tạo cơ hội cạnh tranh cho hàng Việt Nam xuất khẩu.
Không chỉ với doanh nghiệp, khi triển khai NSW và ASW, các cơ quan nhà nước liên quan cũng nâng cao được hiệu quả quản lý. Cụ thể là nhờ dữ liệu trao đổi điện tử mà cán bộ công chức xử lý nghiệp vụ nhanh chóng, chính xác hơn. Ưu điểm nổi bật khi trao đổi e-C/O mẫu D đó là thông tin có tính xác thực cao, giảm được tình trạng lợi dụng, làm giả C/O để được hưởng ưu đãi về thuế theo các Hiệp định thương mại.
Thực hiện NSW, ASW cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy cải cách hành chính, hoàn thiện chế độ, chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lục canh tranh quốc gia và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đây là công cụ quan trọng để chuyển đổi phương thức thực hiện các thủ tục hành chính từ thủ công sang điện tử, trên môi trường phi giấy tờ; được chứng minh là minh bạch, hiệu quả và thuận lợi cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Thông qua việc triển khai NSW và ASW, cán bộ công chức có thể nâng cao trình độ, kỹ năng và thay đổi phương pháp, thói quen làm việc từ thủ công, biệt lập sang phương thức điện tử hiện đại và hợp tác. Qua đó, trình độ, năng lực của cán bộ công chức được nâng lên cả về tư duy lẫn phương pháp làm việc;
Đồng thời, NSW, ASW cũng giúp giảm thiểu việc dư thừa về các yêu cầu hồ sơ, thông tin, dữ liệu…, giúp cơ quan nhà nước kiểm soát doanh nghiệp tốt hơn, đăng độ tin cậy của người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.
6 Bước thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN
Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại, khi thực hiện thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có giấy phép trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp thực hiện theo quy trình sau:
- Bước 1: Doanh nghiệp gửi đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép dưới dạng điện tử đến cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.
- Bước 2: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép đến hệ thống cấp phép của các Bộ, Ngành.
- Bước 3: Các Bộ, Ngành xử lý hồ sơ xin cấp phép và chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.
- Bước 4: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về cho doanh nghiệp đồng thời gửi tới hệ thống của hải quan.
- Bước 5: Hải quan xử lý hồ sơ hải quan, đối chiếu thông tin giấy phép điện tử nhận được từ các Bộ, Ngành (nếu cần), quyết định kết quả thông quan và trả kết quả về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.
- Bước 6: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia trả kết quả thông quan về cho Doanh nghiệp và gửi kết quả đến hệ thống của các Bộ, Ngành để tham khảo.
Download Cẩm Nang Cơ Chế Một Cửa Quốc Gia & Cơ Chế 1 Cửa Asean